Kết quả, đánh giá và ảnh hưởng Mặt_trận_Baltic_(1941)

Kết quả

Chỉ trong vòng 1 tuần, quân đội Đức Quốc xã đã chiếm trọn lãnh thổ của các nước Latvia và Litva, thọc sâu đến tuyến phòng thủ từ xa trên hướng Leningrad của quân đội Liên Xô ở Pskov. Hai tuần sau sau đó, đến lượt toàn bộ lãnh thổ Estonia rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã, trừ căn cứ chính của Hạm đội Baltic tại Tallinn. Mặc dù bị chặn lại mấy ngày trên tuyến phòng thủ Pskov - Daugavpils nhưng quân đội Đức Quốc xã đã nhanh chóng đưa các lực lượng tăng viện mới vào trận, đánh bại các tập đoàn quân 11, 22 và 27 của quân đội Liên Xô, buộc các đơn vị này phải lùi về phòng tuyến Luga. Các trận đánh phòng ngự của lục quân và hải quân Liên Xô tại Tallinn, quần đảo Moonsund và căn cứ hải quân Hanko mặc dù đã giam chân một số sư đoàn Đức nhưng ảnh hưởng của các trận đánh này đến toàn bộ chiến dịch phòng thủ vùng Pribaltic là không lớn. Chủ lực Cụm tập đoàn quân "Bắc" Đức vẫn tiếp cận được cửa ngõ vào Leningrad cuối tháng 8 năm 1941.[25]

Không quân của Phương diện quân Tây Bắc hầu như tê liệt trong ba ngày đầu tiên của cuộc chiến. Một số ít máy bay tiêm kích cất cánh được và tham chiến đã không thể thay đổi tình hình trên không. Không quân Đức Quốc xã hầu như làm chủ vùng trời trên đất liền và trên biển. Không quân của Hạm đội Baltic chiến đấu có hiệu quả hơn song họ có ít máy bay hơn và chủ yếu là máy bay dùng cho các cuộc chiến trên không phận vùng biển để hỗ trợ cho hải quân hạm tàu, không thích hợp cho các trận không chiến trên đất liền.[48] Vì chỉ huy kém và để xảy ra những thiệt hại lớn cho không quân của Phương diện quân Baltic, ngày 25 tháng 6, trung tướng A. P. Yonov, tư lệnh không quân của Phương diện quân, Chính ủy trung đoàn bậc 1 I. V. Mashin, chính ủy không quân của phương diện quân, lữ đoàn trưởng S. S. Krupin, tham mưu trưởng không quân của Phương diện quân Tây bắc bị STAVKA ra lệnh điều tra và sau đó bị xử bắn. Sư đoàn trưởng sư đoàn không quân hỗn hợp số 8 V. A. Guschin bị bắt giam.[46]

Hải quân hạm đội Baltic đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ các vùng biển. Tuy nhiên, những cố gắng của họ trở nên vô ích khi các trận đánh trên bộ của lục quân Liên Xô liên tiếp thất bại, buộc nhiều đơn vị hải quân phải chiến đấu như bộ binh, pháo binh bờ biển phải tham gia vào các trận pháo kích trên đất liền, một nhiệm vụ khó khăn đối với họ cả về chiến thuật, trinh sát hiệu chỉnh và kỹ thuật. Sự thất thế của lục quân và không quân Liên Xô cùng các cuộc rút lui nhanh chóng đã gây hậu quả tai hại cho Hạm đội Baltic. Các căn cứ hải quân quan trọng của Liên Xô trên bờ biển vùng Baltic lần lượt rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã trong vòng một tháng.[87]

Thiệt hại của quân đội và hải quân Liên Xô là hết sức lớn. Từ 22 tháng 7 đến ngày 9 tháng 7, Phương diện quân Tây Bắc và Hạm đội Baltic đã mất 75.202 người chết và mát tích, 13.284 người bị thương. Từ ngày 10 tháng 7 đến ngày 30 tháng 9 năm 1941, Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) tiếp tục tổn thất 96.953 người chết và mất tích, 47.835 người bị thương. Hạm đội Baltic cũng tiếp tục mất 9.384 người chết và mất tích, 14.793 người bị thương.[88] Tổn thất về vũ khí, khí tài của quân đội và hải quân Liên Xô cũng rất lớn. Gần 1.000 máy bay của không quân Phương diện quân Tây Bắc bị phá hủy và bắn rơi.[48] Hơn 1.100 xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy hoặc hư hỏng trong chiến đấu.[22] Hạm đội Baltic bị tổn thất 174 tàu thuyền các loại, gồm 1 tàu tuần dương (chiếc Sevastopol), 17 tàu khu trục, 4 tàu tuần tra, 2 tàu chống ngầm, 34 tàu quét mìn, 3 tàu pháo, 23 tàu phóng ngư lôi, 65 thuyền, xuồng vũ trang, 25 tàu ngầm.[89]

Tổn thất của quân đội Đức Quốc xã thấp hơn quân đội Liên Xô nhưng lại là tổn thất lớn nhất đối với nước Đức Quốc xã kể từ khi bắt đầu cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Từ ngày 22 tháng 6 đến 30 tháng 9 năm 1941, Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) mất 35.741 người chết, 126.838 người bị thương.[90] Trong các trận đánh trên biển, hải quân Đức Quốc xã cũng chịu những thiệt hại không nhỏ: 1 tàu tuần dương, 2 tàu khu trục, 4 pháo hạm, 3 tàu phóng ngư lôi, 3 tàu vận tải, 4 tàu quét mìn, 2 tàu ngầm, 1 tàu chống ngầm và 1 tàu cứu hộ bị đánh đắm. Trong đó, 15 chiếc chìm do va vào thủy lôi, 6 chiếc khác bị tấn công bởi máy bay, tàu ngầm và tàu phóng ngư lôi.[89]

Đánh giá

Các trận phản công của các quân đoàn cơ giới 3 và 12 không đạt kết quả vì nhiều nguyên nhân, trong đó, đặc biệt rõ rệt là thiếu tổ chức, thiếu phối hợp giữa xe tăng với bộ binh và pháo binh. Thời gian phản công cũng không thống nhất, dẫn đến việc quân Đức có thể bẻ gãy từng đợt công kích của các sư đoàn xe tăng Liên Xô được tung ra trận một cách rời rạc. Việc để quân đoàn cơ giới 202 ở lại bảo vệ Šiauliai tuy hợp lý về chiến thuật nhưng đã làm giảm sức tấn công của các sư đoàn xe tăng khi phải đối phó với bộ binh cơ giới Đức vốn cơ động hơn xe tăng do được trang bị phương tiện nhẹ và có tốc độ hành quân cao. Do Bộ Tư lệnh dự liệu sai thời gian xảy ra chiến tranh nên khi chiến sự nổ ra, có đến một nửa số xe tăng của Phương diện quân phải "nằm bãi" do chưa được sửa chữa, bảo dưỡng kịp thời. Do khinh suất, nhiều đơn vị cũng không sử dụng được các phương tiện liên lạc vô tuyến điện vốn rất cần cho xe tăng. Những khuyết điểm lớn như trên đã làm cho lực lượng xe tăng của Liên Xô bị tổn thất lớn. Ngoài ra, do trong ba ngày đầu của cuộc chiến, Phương diện quân Tây Bắc đã để mất đến 921 máy bay, phần lớn chúng bị bom Đức thiêu cháy ngay trên sân bay. Vì vậy, các sư đoàn xe tăng Liên Xô hầu như không nhận được sự yểm hộ từ trên không.[46]

Sự phản ứng chậm chạp, cứng nhắc và bị động của Bộ Tổng tư lệnh tối cao cũng là một trong những nguyên nhân gây nên thất bại của Phương diện quân Tây Bắc tại Litva hồi đầu mùa hè năm 1941. Ngày 25 tháng 6, Phương diện quân nhận được chỉ thị từ Moskva yêu cầu tổ chức các cụm phòng thủ, các đơn vị dự bị tập trung tại tuyến phòng thủ thứ hai trên tuyến sông Tây Dvina. Nhưng ngay từ ngày 24 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) đã cơ động nhanh qua 170 km đường cao tốc đến Daugavpils và chiếm thành phố này ngày 26 tháng 6. Và đến ngày 2 tháng 7, đến lượt Quân đoàn xe tăng 41 thuộc Tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) cũng chiếm các bến vượt trên sông Tây Dvina trong khu vực Jēkabpils, cắt đứt đường rút của các binh đoàn Liên Xô đang tác chiến ở Raseiniai, Šiauliai, Kaunas và Alytus, làm phá sản kế hoạch lập tuyến phòng thủ thứ hai của quân đội Liên Xô trên sông Tây Dvina. Ý đồ làm chậm bước tiến của các tập đoàn quân xe tăng Đức do đó không thực hiện được.[16]

Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) sau trận Alytus đã mở đường đánh chiếm Vilnius, bắt đầu triển khai tiến công Minsk để thực hiện kế hoạch bao vây chủ lực Phương diện quân miền Tây của Liên Xô tại khu vực Białystok-Minsk. Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) cũng bị buộc phải bỏ Latvia, bị dồn vào một khu vực hẹp xung quanh Tallinn.

Cuối cùng, việc xử lý thiếu phối hợp và vô kỷ luật của một số chỉ huy đơn vị tại trận Pskov đã làm cho Kế hoạch phòng thủ chiến lược 1941 trên vùng Pribaltic (KOVO-41-Pribaltic) của quân đội Liên Xô hầu như phá sản. Chỉ sau một tháng, quân đội Đức Quốc xã đã tiến đến các cửa ngõ đi vào Leningrad, một trong ba mục tiêu quan trọng nhất của Chiến dịch Barbarossa.[16]

Ảnh hưởng

Kết quả thất thế của Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) đã ảnh hưởng tai hại tới tình hình phòng tuyến của quân đội Liên Xô trên hướng Tây. Không bị uy hiếp từ sườn phía Bắc, Cụm tập đoàn quân Trung tâm (Đức) đã dồn ba tập đoàn quân của Phương diện quân Tây (Liên Xô) vào một vòng vây kéo dài từ Białystok đến phía Tây Minsk và loại các tập đoàn quân này khỏi vòng chiến đấu sau khi chiếm được Minsk ngày 30 tháng 6. Thất bại nhanh chóng của Phương diện quân Tây Bắc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến Hạm đội Baltic (Liên Xô) khiến hải quân Đức Quốc xã chiếm được nhiều quân cảng quan trọng ở Liepāja, Ventspils, Riga, buộc hạm đội Baltic phải tập trung về Tallinn và một số cảng nhỏ trên quần đảo Moonsund và tiếp tục bị không quân Đức tấn công. Những trận đánh của không quân Hạm đội Baltic vào Berlin tuy có gây một số thiệt hại vật chất và nhân mạng cho nước Đức Quốc xã cũng như gây ảnh hưởng về tâm lý nhưng không thể ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình mặt trận phía Đông.[5]

Quân đội Liên Xô chỉ đủ lực lượng và phương tiện để làm chậm tốc độ tấn công của Cụm tập đoàn quân "Bắc" (Đức), giành được một khoảng thời gian vừa đủ để củng cố các tuyến phòng thủ xung quanh Leningrad, tuyến Ladoga - Tikhvin và mỏm đất Oranielbaum. Từ ngày 8 tháng 9, trong khi các trận đánh phòng thủ quần đảo Moonsund và căn cứ hải quân Hanko của Hải quan hạm đội Baltic vẫn còn tiếp tục thì cánh quân tiên phong của Tập đoàn quân 16 (Đức) đã đánh chiếm đầu mối giao thông đường sắt Mga và tiến đến bờ hồ Ladoga tại khu vực Shlisselburg, hình thành vòng vây quanh Leningrad. Bộ Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô buộc phải chuyển Phương diện quân Bắc thành Phương diện quân Leningrad để phòng thủ thành phố này; thành lập Phương diện quân Volkhov để trấn giữ hướng Tikhvin và thành lập lại Phương diện quân Tây Bắc để giữ tuyến phòng thủ từ hồ Ilmen đến Ostashkov.[16]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt_trận_Baltic_(1941) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://data.lnb.lv/nba01/Tevija/1941/Tevija1941-05... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/dd... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/ed... http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/achkasov_pavlovich/04.htm...